Khoa Luật Quốc tế trả lời các thắc mắc dành cho các sinh viên năm cuối đang học tập chuyên ngành cử nhân Luật, Luật Thương mại quốc tế thuộc Khoa Luật Quốc tế và chương trình Đào tạo đặc biệt.
Buổi hướng dẫn được chủ trì bởi PGS. TS. Trần Việt Dũng, trưởng Khoa Luật Quốc tế, cùng sự hiện diện của TS. Phan Hoài Nam, Phó trưởng Khoa; ThS. Nguyễn Thị Vân Huyền, giảng viên Bộ môn Công Pháp Quốc tế, NCS. Lê Thị Ngọc Hà, ThS, Ngô Nguyễn Thảo Vy, giảng viên bộ môn Luật Thương mại quốc tế; ThS. Nguyễn Lê Hoài, giảng viên Bộ môn Tư Pháp quốc tế và Luật So sánh.
Trong buổi trao đổi, sinh viên tích cực hỏi đáp những vấn đề còn thắc mắc và nhận được sự giảm đáp tận tình từ Thầy Cô Khoa Luật Quốc tế.
Kết thúc buổi trao đổi, TS. Phan Hoài Nam, thay mặt Thầy Cô Khoa Luật Quốc tế, gửi lời chúc đến các em sinh viên thực hiện thành công khóa luận và kỳ thực tập tốt nghiệp.
--------------------
Một số câu hỏi và trả lời đã được trao đổi tại buổi hướng dẫn:
1. Thưa Thầy Cô, theo quy định tại nơi em đăng ký thực tập, đơn vị chỉ có thể đóng dấu xác nhận vào mẫu xác nhận riêng, không đóng dấu vào trong nhật ký thực tập có được không ạ?
Đáp: Việc đóng dấu vào nhật ký thực tập nhằm mục đích xác thực việc sinh viên thực tế có thực tập và được giám sát bởi đơn vị tiếp nhận thực tập. Trong trường hợp không thể xác nhận vào nhật ký thực tập, thì đơn vị tiếp nhận thực tập phải có xác nhận thể hiện đủ nội dung về việc thực tập thực tế tương ứng với yêu cầu của nhật ký thực tập của sinh viên.
2. Thưa Thầy Cô, sự kiện pháp lý em có thể làm bao nhiêu trang?
Đáp: Theo yêu cầu của mẫu thực tập, về nguyên tắc là một trang A4 (vui lòng xem mẫu phần Thực tiễn thực tập).
3. Thưa Thầy Cô, hình thức làm báo cáo thực tập và cách trình bày, sinh viên viết tay hay đánh máy ạ?
Đáp: Về hình thức báo cáo thực tập, sinh viên vui lòng xem mẫu báo cáo thực tập đã công bố. Riêng trong năm học 2020-2021, sinh viên có thể đánh máy toàn bộ nội dung báo cáo thực tập. (Không cần viết tay bất cứ nội dung nào). Tuy nhiên, việc đánh máy cần đảm bảo sự trung thực của sinh viên. Khoa Luật Quốc tế kiên quyết xử lý các trường hợp sao chép hoặc gian lận trong quá trình thực tập và làm báo cáo thực tập.
4. Thưa Thầy Cô, em có bắt buộc phải thực tập ở đơn vị có liên quan đến Luật Quốc tế không?
Đáp: Việc tiếp nhận thực tập còn lệ thuộc vào các cơ quan, tổ chức, các bạn sinh viên học Khoa Luật Quốc tế không nhất thiết phải thực tập tại các đơn vị liên quan đến Luật Quốc tế. Sinh viên có thể thực tập tại bất cứ cơ quan, tổ chức nào, tuy nhiên, phải trong bộ phận có liên quan đến pháp lý.
5.Thưa Thầy Cô, sự kiện pháp lý có bắt buộc phải có yếu tố nước ngoài hay không?
Đáp: Như câu trả lời đã trình bày, vì môi trường thực tập của sinh viên có thể không có tính quốc tế nên việc tiếp cận sự kiện pháp lý có yếu tố nước ngoài cũng hạn chế, vì vậy không bắt buộc sinh viên phải trình bày sự kiện có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, nếu sinh viên trình bày sự kiện pháp lý có mang yếu tố thuộc các lĩnh vực luật quốc tế, đây là một điểm cộng.
6. Thầy Cô có thể hướng dẫn em cách tìm kiếm tài liệu không ạ?
Đáp: Hiện nay, cách đơn giản nhất là sinh viên có thể sử dụng dịch vụ của Trung tâm thư viện. Hiện Trung tâm thư viện nhà trường có rất nhiều cơ sở dữ liệu pháp luật đủ để các bạn sinh viên, học viên và nhà nghiên cứu thực hiện việc nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực.
7. Thưa Thầy Cô, em có thể chọn đề tài ngoài mục đề tài đã được Khoa công bố có được không?
Đáp: Danh mục đề tài mà Khoa công bố nhằm mục đích định hướng và gợi mở cho sinh viên. Sinh viên hoàn toàn có thể làm những đề tài khác ngoài danh mục, tuy nhiên, sinh viên cần cân nhắc về tính khả thi của đề tài tự chọn này.
8. Thưa Thầy Cô cho em hỏi là sau khi công bố đề tài, nếu bị trùng có được đổi không ạ? và trong quá trình thực hiện đề tài, nếu bế tắc, em có quyền đổi nữa không ạ?
Đáp: Về mặt nghiên cứu khoa học, việc nghiên cứu cùng một chủ đề, vấn đề là không có gì lạ, mỗi sinh viên có thể có góc nhìn riêng của mình về cùng một khía cạnh pháp lý, vì vậy việc đổi đề tài là không cần thiết/ Sinh viên cần xác định mục tiêu đề tài rõ, ngoài ra, sau khi đề tài được công bố, sinh viên sẽ có giảng viên hướng dẫn để đảm bảo tính khả thi của đề tài, việc đổi đề tài trong quá trình thực hiện của sinh viên sẽ bị hạn chế.
9. Thưa Thầy Cô, sau khi làm khóa luận tốt nghiệp, em mong muốn tiếp tục học về Luật quốc tế, em có thể làm gì?
Đáp: Hiện nay, sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật, ngoài việc đi làm việc ngay, các em sinh viên thích học tập về Luật quốc tế có thể tiếp tục học ngay lên Thạc sĩ Luật Quốc tế tại trường Đại học Luật TP. HCM.