Bộ môn Tư pháp quốc tế - Luật so sánh được thành lập cùng thời điểm với sự ra đời của Khoa Luật quốc tế, có nhiệm vụ trọng tâm trong việc đào tạo và bồi dưỡng cho sinh viên khả năng và kiến thức trong lĩnh vực tư pháp quốc tế điều chỉnh đối với nhóm các quan hệ dân sự và tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài; nền tảng về các hệ thống pháp luật chủ yếu trong khu vực và trên thế giới; các kiến thức liên quan đến pháp luật Việt Nam và quốc tế về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; pháp luật về hàng hải và vận tải quốc tế...
Hiện nay, Bộ môn phụ trách các học phần: Tư pháp quốc tế (bao gồm phần chung và phần riêng), Luật so sánh, Luật sở hữu trí tuệ quốc tế, pháp luật về chuyển giao công nghệ; pháp luật về vận tải và hàng hải quốc tế; pháp luật thương mại các nước Đông Bắc Á, Hệ thống pháp luật các nước ASEAN…
Bộ môn bao gồm 17 giảng viên: TS.GVC. Đỗ Thị Mai Hạnh, PGS. TS Lê Thị Nam Giang (kiêm nhiệm), TS Nguyễn Thị Bích Ngọc (kiêm nhiệm), ThS.GVC. Trịnh Anh Nguyên (kiêm nhiệm), TS Phan Hoài Nam, ThS Trần Ngọc Hà, ThS Nguyễn Lê Hoài, ThS Trần Thị Bảo Nga, ThS Nguyễn Thị Hằng, ThS Ngô Kim Hoàng Nguyên (kiêm nhiệm), ThS Võ Hưng Đạt, ThS Trịnh Thị Kim Loan, ThS Phùng Hồng Thanh, ThS Đào Thị Vui, ThS Nguyễn Thị Kim Duyên, ThS Trần Thị Ngọc Hà, ThS Ngô Đình Thiện.
Mục tiêu đào tạo và nhiệm vụ của Bộ môn: Cùng với nhà trường thực hiện chiến lược đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng vận dụng pháp luật, có khả năng áp dụng với yêu cầu của nền kinh tế thị trường trong sự hội nhập của đất nước. Sinh viên Khoa Luật quốc tế sau khi tốt nghiệp có thể tự tin đảm nhận các công việc liên quan đến các lĩnh vực pháp luật nói chung. Bên cạnh đó, những công việc đặc thù mà sinh viên được đào tạo từ các môn học của bộ môn có thể đảm nhiệm là tư vấn cho các quan hệ về hợp đồng dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài; các quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài, hôn nhân gia đình: kết hôn, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài…; các vấn đề liên quan đến việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa….cho doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài và cho doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam…
Bên cạnh đó, Bộ môn cùng với Khoa và Nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên thông qua các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ đào tạo của trường trong lĩnh vực lập pháp.
Xem danh sách giảng viên của Bộ môn