Để có được những góc nhìn và đánh giá đầy đủ về quá trình tham gia các FTA thế hệ mới của Việt Nam cũng như về các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi thực thi các FTA này, Trường Đại học Luật TP.HCM cùng Trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học: “Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam: Từ chiến lược tham gia đến thách thức khi thực thi” vào ngày 09/01/2019 tại Trường Đại học Luật TP.HCM.
Sự phát triển của kinh tế quốc tế trong 1 thập niên trở lại đây đã có nhiều sự thay đổi đáng kể. Một trong số đó là sự phát triển của các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới (new-generation FTA) giữa các đối tác thương mại. Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang tích cực đàm phán phát triển mối liên kết thương mại đa phương thông qua việc đàm phán các FTA những đối tác thương mại quan trọng, rất nhiều trong số đó là FTA thế hệ mới.
Các giảng viên, chuyên gia tham dự Hội thảo
Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Nhung - Vụ Pháp luật Quốc tế - Bộ tư pháp; GS. Locknie Hsu - Khoa Luật, Trường Đại học Quản trị Singapore (SMU); TS. Stefano Pellegrino – Tổng thư ký Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Công ty Luật Fraser; PGS. Thomas Hoffman và TS. Olga Shumilo – Khoa Luật ĐH Công nghệ Tallinn (TTU); TS. Nguyễn Bình An – Khoa Luật ĐH Bình Dương; PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Ngoại thương; PGS.TS. Doãn Hồng Nhung - Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về phía trường Đại học Luật TP.HCM có sự tham dự của PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế cùng các giảng viên của Nhà trường.
Hội thảo diễn ra trong không khí sôi nổi, thu hút sự tham dự của nhiều sinh viên
Xuyên suốt hội thảo, các chuyên gia đã thể hiện những góc nhìn và đánh giá đầy đủ về quá trình tham gia các FTA thế hệ mới của Việt Nam, thể hiện rõ quyết tâm đổi mới và mở cửa của Đảng và Nhà nước. Việc thực hiện các cam kết trong các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm và phát triển cơ hội kinh doanh tại các thị trường lớn trên thế giới, tuy nhiên cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức do sự phức tạp trong các quy định tự do hóa thương mại của các hiệp định này. Đặc biệt, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức từ việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực thương mại phi truyền thống như lao động, môi trường, đầu tư, thương mại điện tử… Các diễn giả tại hội thảo đã thảo luận những giải pháp khác nhau cho Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách và cải thiện môi trường kinh doanh trong nước; phương hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đầu tư nguồn lực để đảm bảo sự tuân thủ các cam kết tại CPTPP và EVFTA, cũng như các giải pháp cho nhà nước để giải quyết hoặc hạn chế các vấn đề phát sinh từ việc thực thi các điều ước này.
TS. Stefano Pellegrino – Tổng thư ký Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam
Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các khách mời và người tham dự, hy vọng các ý kiến đã trình bày và trao đổi tại hội thảo sẽ đóng góp cho việc củng cố và phát triển chính sách pháp luật thương mại quốc tế của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.
Bài: Diệu Hồng
Ảnh: Thùy Liên
Ban Truyền thông ULaw