CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ LUẬT QUỐC TẾ

CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ LUẬT QUỐC TẾ

Giới thiệu chung

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua đã mang lại nhiều cơ hội và động lực phát triển cho nền kinh tế quốc gia, đồng thời nó cũng đặt xã hội trước nhiều vấn đề pháp lý mới mẻ trong các lĩnh vực liên quan tới các hoạt động thương mại quốc tế, giao dịch kinh tế-thương mại xuyên biên giới, cạnh tranh quốc tế và tranh chấp thương mại quốc tế.

Để đáp ứng nhu cầu thiết thực này của xã hội và dựa trên định hướng phát triển chung của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Khoa Luật Quốc tế đã xây dựng và phát triển chương trình Thạc sĩ Luật Quốc tế với những môn học có thể cung cấp các kiến thức chuyên sâu cần thiết trong hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế.

Các môn học của chương trình sẽ giúp học viên xây dựng và phát triển các kiến thức lý luận và thực tiễn về các chế định pháp luật quốc tế điều phối chính sách thương mại của quốc gia (chẳng hạn như hệ thống thương mại của WTO, EU, ASEAN); vai trò của các chủ thể tư và công trong việc xây dựng và phát triển các quy tắc và pháp luật thương mại; các quy phạm, quy tắc pháp lý điều chỉnh các giao dịch thương mại quốc tế giữa các doanh nghiệp, cá nhân từ các quốc gia khác nhau (chẳng hạn như các hợp đồng thương mại quốc tế, vận tải quốc tế, thanh toán quốc tế, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế v.v.). Chương trình sẽ trang bị cho học viên khối lượng kiến thức và kỹ năng vững vàng có thể sử dụng trong hoạt động chuyên môn ở cả các cơ quan nhà nước lẫn khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, chất lượng của chương trình được bảo đảm bởi đội ngũ giáo viên ưu tú, bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật kinh tế - thương mại quốc tế; có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm tại các cơ sở đào tạo luật trong nước. Các giáo viên của chương trình đều có lý lịch khoa học nổi bật với nhiều công trình nghiên cứu đã được in thành sách hoặc được công bố trên các tạp chí pháp luật uy tín trong và ngoài nước, tham gia vào các hội thảo quốc tế về lĩnh vực liên quan tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Không ít trong số họ đã từng làm việc hoặc đang là cố vấn pháp lý cho các tổ chức quốc tế, các tập đoàn xuyên quốc gia, các hãng luật có uy tín và cơ quan hoạch định chính sách của nhà nước. Các môn học của chương trình sẽ được họ giảng dạy từ góc độ quốc tế và so sánh - phù hợp với sự phát triển mới nhất của pháp luật và thực tiễn thương mại quốc tế. Kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ giảng viên của chúng tôi tạo ra sự khác biệt của chương trình Thạc sĩ này với các chương trình Thạc sĩ luật học khác.

Mục tiêu

Chương trình Thạc sĩ Luật quốc tế được Khoa Luật Quốc tế xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội về các kiến thức pháp luật trong hoạt động kinh tế và thương mại quốc tế. Khoa Luật quốc tế nhấn mạnh tới các môn học liên quan tới pháp luật của các định chế thương mại toàn cầu và khu vực (như Pháp luật WTO, Pháp luật chống bán phá giá, Pháp luật cạnh tranh trong thương mại quốc tế, Pháp luật thương mại dịch vụ quốc tế, Pháp luật thương mại quốc tế về SHTT, Pháp luật thương mại ASEAN, v.v.); giao dịch thương mại quốc tế (Pháp luật về hợp đồng thương mại quốc tế, Xung đột pháp luật trong giao dịch thương mại quốc tế, Pháp luật về thanh toán quốc tế, Pháp luật về chuyển giao công nghệ quốc tế, Pháp luật về vận tải quốc tế); giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế và pháp luật thương mại của một số đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam là Mỹ và Liên Minh Châu Âu.

Ưu thế của Chương trình

Chương trình Thạc sĩ luật quốc tế của Khoa Luật Quốc tế - Đai học luật TP.HCM sẽ tập trung vào các chuyên mục quan trọng và thiết thực trong thực tiễn của hoạt động kinh doanh và thương mại quốc tế. Các môn học của Chương trình sẽ được giảng dạy theo các phương pháp sư phạm hiện đại giúp cho học viên phát triển các kỹ năng tự nghiên cứu, phân tích và trình bày vấn đề độc lập.

Đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm học tập và giảng dạy lâu năm trong môi trường quốc tế cũng sẽ là yếu tố tạo ra sự khác biệt của chương trình cao học này so với các chương trình Thạc sĩ luật học khác tại Việt Nam.

Tham gia vào chương trình này, học viên sẽ có cơ hội được tiếp thu các kiến thức về lý luận và thực tiễn về pháp luật quốc tế để có thể áp dụng vào công việc liên quan tới hoạt động kinh doanh-thương mại có yếu tố nước ngoài.

Lợi ích từ Chương trình

Học viên của Chương trình Thạc sĩ Luật quốc tế sau khi tốt nghiệp có thể có được những lợi ích cụ thể sau đây:

-  Củng cố và tăng cường kiến thức pháp luật chuyên ngành thương mại quốc tế phục vụ hiệu quả cho các hoạt động chuyên môn của người học tại nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau như (i) phòng pháp chế của các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty xuyên quốc gia; công ty luật trong nước và nước ngoài; (ii) các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại và đầu tư; (iii) các tổ chức quốc tế và hiệp hội doanh nghiệp; và (iv) các cơ sở đào tạo luật và viện nghiên cứu luật.

-  Tăng cường và phát triển kỹ năng tư duy lý luận và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực pháp lý chuyên sâu, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế.

-  Nâng cao kỹ năng mềm về đàm phán, diễn giải, thuyết trình thông qua các bài tập tình huống trong các môn học của chương trình.

Đối tượng tuyển sinh

Đối tượng học của chương trình Thạc sĩ Luật quốc tế này bao gồm:

(i)        Những người thường xuyên trực tiếp tham gia các giao dịch xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài (như luật sư, cán bộ pháp lý trong các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hiệp hội doanh nghiệp v.v.);

(ii)       Giảng viên của các trường đại học và chuyên viên các viện, trung tâm nghiên cứu đối với các lĩnh vực thuộc chuyên ngành khoa học xã hội;

(iii)      Cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thương mại và đầu tư (như Ủy ban nhân dân các cấp, Toà án, Sở kế hoạch đầu tư, Cục sở hữu trí tuệ, Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại TP.HCM v.v.); và

(iv)      Các cá nhân, chuyên gia, các nhà nghiên cứu độc lập có nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu đối với các vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế.

Đội ngũ giảng viên

Các môn học của Chương trình Thạc sĩ luật quốc tế sẽ do các giảng viên của Trường đại học Luật TP.HCM và các giảng viên thỉnh giảng là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế, luật so sánh, tư pháp quốc tế, công pháp quốc tế đảm nhận. Dưới đây là danh sách các giảng viên cơ hữu của Chương trình Thạc sĩ Luật Quốc tế:

PGS. TS. Mai Hồng Quỳ

Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM

Tiến sĩ – Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Matxcơva, LB Nga)

TS. Trần Việt Dũng

Phó trưởng Khoa Luật Quốc tế

Tiến sĩ – Đại học Quốc gia Singapore (Singapore)

TS. Trần Thị Thùy Dương

Phó tổng biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý

Tiến sĩ – Đại học Aix-Marseille III (Marseille, Pháp)

TS. Lê Thị Nam Giang

Phó trưởng Khoa Luật Quốc tế

Tổng Thư Ký Hội Sở hữu trí tuệ TP. HCM

Tiến sĩ - Đại học Luật TP. HCM

TS. Đỗ Thị Mai Hạnh

Trưởng bộ môn Tư pháp quốc tế - Luật So sánh (Khoa Luật Quốc tế)

Tiến sĩ – Đại học Wollongong (Wollongong, Úc)

TS. Trần Thăng Long

Giảng viên Khoa Luật Quốc tế

Tiến sĩ  - Đại học La Trobe (Melbourne, Úc)

TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc

Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học

Tiến sĩ luật học - Viện Sở hữu trí tuệ LB Nga (Matxcơva, LB Nga)

TS. Lê Thị Ánh Nguyệt

Giảng viên Khoa Luật Quốc tế

Tiến sĩ – Đại học Nagoya (Nagoya, Nhật Bản)

TS. Phan Ngọc Tâm,

Giảng viên Khoa Luật Quốc tế

Tiến sĩ – Đại học Lund (Lund, Thụy Điển)

TS. Hà Thị Thanh Bình

Giảng viên chính Khoa Luật Thương mại

Tiến sĩ - Đại học Luật TP.HCM

TS. Phan Thị Thành Dương

Giảng viên Khoa Luật Thương mại

Tiến sĩ - Đại học Luật Tp. HCM

TS. Nguyễn Văn Vân

Quyền Trưởng Khoa Luật Thương mại

Tiến sĩ - Đại học Tổng hợp Kishinhiev (Kishinhiev, CH Moldova)

TS. Nguyễn Thanh Tú

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế - Bộ Tư pháp 

Phó Giáo sư Khoa Luật Đại học Lund 

Tiến sĩ - Đại học Lund (Lund, Thụy Điển)

Các môn học trong chương trình

pr.ths.lqt.2012.png

(*): Học viên sẽ chọn 3 trong 6 môn chuyên ngành của chương trình. 

hời điểm tuyển sinh

Chương trình Thạc sĩ Luật quốc tế sẽ bắt đầu tuyển sinh từ năm 2012.

Thời hạn cuối để nộp hồ sơ tuyển sinh là tháng 31/6/2012.

Các thông tin về hồ sơ đăng ký học xin liên hệ với Phòng đào tạo Sau đại học - Đại học Luật TP.HCM (Địa chỉ liên lạc: 2 Nguyễn Tất Thành, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh. Tel: +84-8-39400989 + Số máy nhánh: 118)