Hội thảo Quyền đảm bảo sức khỏe và vấn đề thực thi Hiệp định TRIPS 19/11/2013

HCMUL – Sáng ngày 19/11/2013, khoa Luật Quốc tế phối hợp với Trung tâm nghiên cứu về quyền con người & quyền công dân (TT NCQCN& QCD) tổ chức hội thảo khoa học cấp trường: Quyền đảm bảo sức khỏe và vấn đề thực thi Hiệp định TRIPS.

19-11-13hoithaotrips 

Về phía trường ĐH Luật TP.HCM, có sự hiện diện của NGƯT.GS.TS. Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng, PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó hiệu trưởng,TS. Lê Thị Nam Giang - Q. Trưởng khoa Luật QT, các phó trưởng khoa: TS.Trần Việt Dũng, ThS. Nguyễn Thị Yên, TS. Nguyễn Phương Hoa – Phó GĐ TT NCQCN& QCD, các giảng viên khoa Luật QT, khoa Luật Dân sự, khoa Luật Thương mại, chuyên viên TT NCQCN& QCD, các giảng viên trong trường có quan tâm và các học viên cao học, sinh viên.

Về phía khách mời, có sự tham dự của TS. Nguyễn Thanh Tú – Phó vụ trưởng Vụ PLQT – Bộ Tư pháp, ThS. Trần Việt Hưng - Phó phòng đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, TS Nguyễn Thúy Ngọc – GV trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, một số khách mời đến từ Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trung tâm SHTT thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, từ Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, văn phòng luật sư, công ty luật…

Mở đầu Hội thảo, NGƯT.GS.TS. Mai Hồng Quỳ đã phát biểu khai mạc. Hiệu trưởng khẳng định Hội thảo này thể hiện tầm nhìn của khoa Luật QT, qua đó cũng thể hiện mối quan tâm của Trường ĐH Luật TP.HCM về mọi vấn đề của xã hội, Nhà trường luôn gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn cuộc sống.

Sau lời khai mạc, Hội thảo bước vào phiên thứ nhất, với sự chủ trì của PGS.TS. Bùi Xuân Hải, TS. Nguyễn Thanh Tú và ThS. Trần Việt Hưng. Ở phiên này, 3 diễn giả trình bày tham luận tập trung vào chủ đề: Quyền đảm bảo sức khỏe theo pháp luật quốc tế và kinh nghiệm một số nước, cụ thể:

ThS. Nguyễn Thị Yên – Phó trưởng khoa Luật QT với tham luận “Quyền đảm bảo sức khỏe trong các công ước quốc tế về quyền con người của Liên hiệp quốc”

TS. Lê Thị Ánh Nguyệt – Trưởng Bộ môn Luật TMQT với tham luận “Lý luận chung về sự cân bằng lợi ích giữa quyền đảm bảo sức khỏe và quyền của chủ sáng chế đối với dược phẩm”

TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng – GV khoa Luật Dân sự với tham luận “Lixăng bắt buộc đối với dược phẩm trong hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ”.

Sau khi nghe các diễn giả trình bày, Hội thảo tiến hành thảo luận. Gần chục ý kiến nêu ra bàn về những vấn đề có tính tổng quan và kỹ thuật cao của pháp luật quốc tế như WTO, TRIPS liên quan đến quyền đảm bảo sức khỏe của con người.

Ở phiên thứ hai, với sự chủ trì của TS. Lê Thị Nam Giang, TS. Lê Thị Ánh Nguyệt và ThS. Trần Việt Hưng, Hội thảo tập trung vào chủ đề: Quyền đảm bảo sức khỏe trong pháp luật Việt Nam. Ba diễn giả trình bày tham luận, đó là:

1. TS. Nguyễn Thanh Tú – Phó vụ trưởng Vụ PLQT Bộ Tư pháp với “Hiệp định TRIPS và quyền tiếp cận dược phẩm: kinh nghiệm cho Việt Nam”

2. ThS. Trần Việt Hưng - Phó phòng đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với “Thực tiễn thực hiện Hiệp định TRIPS trong việc nhập khẩu thuốc chữa bệnh qua biên giới”

3. TS. Lê Thị Nam Giang - Q. Trưởng khoa LQT với “License bắt buộc và vấn đề đảm bảo sức khỏe tại Việt Nam”.

Ba bản tham luận đặt ra những vấn đề cụ thể về mặt pháp luật cũng như thực tiễn của Hiệp định TRIPS áp dụng cho VN đã thu hút sự quan tâm của nhiều thành viên dự Hội thảo. Bình luận về chủ đề Quyền đảm bảo sức khỏe trong pháp luật Việt Nam, NCS. Nguyễn Thúy Ngọc nêu lên một số bất cập trong việc quản lý giá thuốc làm cho giá thuốc tại Việt Nam rất cao và TS. Nguyễn Thị Hải Vân nêu lên một số bất cập trong pháp luật Việt Nam về License bắt buộc, cần sửa đổi và những vấn đề cần lưu ý trong quá trình Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại liên quan đến quyền đảm bảo sức khỏe của con người.

Kết thúc Hội thảo, có thể chưa thực sự đạt được mục đích như ThS. Nguyễn Xuân Quang – GV khoa Luật DS mong muốn và đề xuất, đó là ngay sau Hội thảo này chúng ta có thể làm được một điều gì đó giúp bệnh nhân VN tiếp cận được thuốc chữa bệnh với giá rẻ nhất. Bởi lẽ, để làm được điều này là không đơn giản, phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, các công ty sản xuất, phân phối thuốc, các bệnh viện.v.v. Tuy nhiên, trong Hội thảo khoa học này, như lời TS. Nguyễn Thị Hải Vân khẳng định là chúng ta đã đặt ra, bàn bạc một số vấn đề có ý nghĩa để các nhà nghiên cứu tiếp tục suy nghĩ. Phát biểu bế mạc, TS. Lê Thị Nam Giang – thay mặt các chủ tọa đã kết luận những kết quả khoa học của Hội thảo và khẳng định: kết luận của Hội thảo sẽ được gửi đến các cơ quan chức năng để góp phần hoàn thiện khung pháp luật trong việc đảm bảo quyền bảo vệ sức khỏe - một trong những quyền cơ bản của con người.

 

--%>
Top